Tiểu sử Quỳnh Dao

Tuổi thơ

Quỳnh Dao tên thật là Trần Triết sinh ra tại Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc trong gia đình có em trai song sinh và hai người em 1 trai, 1 gái. Em gái là Trần Cẩm Xuân (陳錦春), tiến sĩ ngành vật lý hạt nhân của Đại học Wisconsin (Mỹ), từng cùng chồng là Trần Tráng Phi thành lập một công ty, khách hàng là Cục khí tượng của các nước trên khắp thế giới. Lúc nhỏ thành tích học tập của Quỳnh Dao không bằng em gái mình, điều này khiến bà rất tự ti, mãi đến khi tốt nghiệp trung học và trở thành nhà văn nổi tiếng, bà mới có lòng tin vào bản thân.[1]

Cha bà là Trần Trí Bình, giáo sư Sử học tại trường Ðại học Quốc lập Sư phạm còn mẹ là môn đệ thư hương. Quỳnh Dao sinh ra trong cảnh chiến tranh, và những hình ảnh khói lửa đó đã lưu lại trong tâm hồn bà nhiều ấn tượng sâu đậm.

Cụ ngoại Quỳnh Dao là một thầy thuốc nổi tiếng cuối đời Thanh và rất ghét tư tưởng phong kiến hủ bại với quan niệm lạc hậu "con gái không tài mới là đức". Vì vậy, cụ chủ trương phải cho con gái được học hành đến nơi đến chốn. Lớn lên, mẹ và các dì Quỳnh Dao đều có tài nghệ riêng và sự nghiệp vững vàng. Dì cả Viên Hiểu Viên là nhà ngoại giao đầu tiên của Trung Quốc, dì tư Viên Tịnh sinh thời là một nhà văn nổi tiếng, mẹ bà cũng là nhà văn tài hoa. Có thể nói năng khiếu sáng tác của Quỳnh Dao được thừa hưởng từ mẹ.

Năm 1945 khi Quỳnh Dao lên 7, cuộc kháng chiến của Trung Quốc bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, bà theo cha mẹ từ Hồ Nam đến Tứ Xuyên lánh nạn, nương tựa ở nhà một người dì. Thời điểm đó, hai vợ chồng người dì mở một trường trung học dân lập tên là Lô Nam và Quỳnh Dao đã theo học tại đó, còn mẹ bà thì làm giáo viên. Cũng trong thời gian này, mẹ bà phát hiện ra năng khiếu văn thơ của con gái và bà bắt đầu dạy Quỳnh Dao học thơ Đường. Đó là lần đầu tiên Quỳnh Dao tiếp xúc với văn học và cảm nhận được sức lôi cuốn của nó. Từ đó, bà bắt đầu đi sâu khám phá về lĩnh vực này.

Thời niên thiếu

Năm 1949 Quỳnh Dao theo cha mẹ di cư tới Ðài Loan, đến năm 1958 mới có dịp trở lại Bắc Kinh gặp lại những người thân. Tại đây, Quỳnh Dao học tại trường tiểu học thuộc trường Sư phạm Ðài Bắc và Trung học cao cấp nữ sinh số 1 Đài Bắc.

Thời trung học, bà là một học trò luôn làm cho các giáo viên phải đau đầu, cha mẹ phải lo phiền. Vì bà chỉ dành tâm trí vào môn Trung văn và có vẻ lơ là đối với các môn khác. Ngoài ra, bà còn có những ý nghĩ, những lý luận kỳ quái. Thường thường, bà hay phản đối giáo sư về đủ các chuyện và bất mãn về chế độ giáo dục thời đó. Vốn đa sầu, đa cảm, bà hay trầm tư và mê đắm trong ảo tưởng. Nhiều khi các giáo sư phải lắc đầu, bó tay trước những câu hỏi oái oăm, móc mấy của cô. Cả cha mẹ cũng lấy làm khó chịu về cái thái độ khác thường của bà. Có lúc bà còn đâm hoài nghi cả sinh mệnh, lẫn các giá trị sống, tình cảm và nhiều thứ khác nữa.

Sau khi tốt nghiệp bậc cao trung, Quỳnh Dao có dự hai kỳ thi chuyên khoa trường đại học nhưng lần nào cũng trượt. Ðây thực sự là một vết thương lòng của Quỳnh Dao. Chính vì sự thất bại đó nên đã khích lệ bà chuyên tâm vào việc sáng tác để tìm lại cái bản ngã tưởng chừng đã bị nền giáo dục lúc ấy kìm nén.